Chim Vành Khuyên từ lâu đã nổi tiếng bởi giọng hót trong trẻo, cuốn hút và ngoại hình bắt mắt. Nếu bạn đang muốn tìm nuôi một loài chim để làm cảnh và để rộn ràng hơn vào mỗi buổi sáng, thì Vành Khuyên chính là sự lựa chọn tuyệt vời. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết những thông tin liên quan tới loài chim cảnh này trong bài viết dưới đây nhé.
Giới thiệu về chim Vành Khuyên
Khi nhắc đến cái tên Vành Khuyên, có thể bạn chỉ nghĩ đến những chú chim thích bắt sâu bọ hay phá hoại mùa màng. Nhưng ít ai lại biết được những đặc điểm thú vị khác của chúng. Thật ra loài chim nhỏ nhắn xinh xắn này còn rất nhiều điều bí ẩn mà bạn chưa biết.
Nguồn gốc chim Vành Khuyên
Họ Vành Khuyên có danh pháp khoa học là Zosteropidae, là một họ chim gồm khoảng 140 loài thuộc bộ Sẻ (Passeriformes) có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, vùng cận nhiệt đới châu Phi, miền nam châu Á và Australasia.
Tuy nhiên, hiện nay loài chim này được phát hiện sinh sống nhiều tại các vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Giống chim Vành Khuyên đã phân phối rải rác nhiều tại khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, loài Vành Khuyên được tìm thấy với số lượng lớn ở các cánh rừng tại các tỉnh thành miền Bắc, nơi có nhiều cánh rừng nhiệt đới và mưa nhiều. Ngoài ra ở khu vực miền Nam nước ta cũng có số lượng lớn loài chim này sinh sống.
Đặc điểm ngoại hình
Nếu chỉ nhìn vào bên ngoài, chúng ta khó có thể nhận biết được loài chim này. Chúng có thân hình nhỏ bé, tương tự như các loài chim sẻ hay các loại chim sâu hiện nay. Đôi chân của chúng trông rất mảnh mai và nhỏ bé, thế nhưng nó lại vô cùng khỏe khoắn.
Có một đặc điểm nổi bật để giúp nhận biết chim Vành Khuyên đó là đôi mắt hơi xếch và có vòng tròn màu trắng bao quanh. Có lẽ đây chính là đặc điểm rõ ràng duy nhất giúp người nhìn có thể phân biệt loài Vành Khuyên với các loài chim khác thông qua đặc điểm bên ngoài.
Hướng dẫn phân biệt Vành Khuyên trống và mái
Việc phân biệt chim trống và chim mái rất có ý nghĩa đối với những người muốn nuôi chim hót trong nhà. Bởi nhiều người cho rằng, chim trống thường sẽ hót sung hơn, khỏe hơn và hót hay hơn chim mái. Và dưới đây chính là một số đặc điểm giúp phân biệt chim trống và mái hiệu quả nhất.
- Chim Vành Khuyên trống sẽ có thân hình thon, dài đòn, hàm dưới thường bạnh ra và chân cao hơn nhiều so với chim mái. Màu sắc chim trống thường sáng hơn và nổi bật hơn.
- Chân của chim mái khá ngắn, thân hình khá bầu và không được thon như chim trống. Màu sắc chim mái khá tối màu, phần trắng ở bụng không sáng lắm và có pha lẫn màu nâu sạm.
Ngoài cách phân biệt dựa vào đặc điểm ngoại hình thì bạn cũng có thể dựa vào giọng hót để phân biệt như sau:
- Chim trống thường rất hay kêu, kêu sung, tiếng kêu gắt, âm cao.
- Còn chim mái thì lại ít kêu, âm trầm và không quá gắt.
Tiếng hót tuyệt diệu của chim Vành Khuyên
Mặc dù giọng hót của Vành Khuyên khó có thể so bì được so với họa mi, chào mào hay sơn ca. Nhưng chúng cũng có nét độc đáo riêng biệt như sự trong trẻo và cao chót vót mỗi khi cất tiếng hót.
Giọng hót của chim Vành Khuyên không lanh lảnh như họa mi mà lại rất nhẹ nhàng và dễ nghe. Thậm chí chúng còn có khả năng bắt chước giọng hót của một số loài chim khác, đặc biệt rất giống chim chích chòe. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người chơi chim cảnh rất thích loài chim này.
Giống Vành Khuyên đực có nhiều dạng tiếng kêu như gọi đôi, gợi đơn. Còn giống chim mái thì chỉ có duy nhất một tiếng đơn. Giọng hót của Vành Khuyên trống cũng thường có âm vực cao và thánh thót hơn.
Tập tính sống của loài Vành Khuyên
Vành Khuyên là loài chim sống theo bầy đàn, chỉ khi đến mùa sinh sản chúng mới tách rời nhau ra. Chúng thường làm tổ ở trên cây, mỗi con mái đẻ được từ 2 đến 4 quả trứng, trứng có màu xanh lam hơi nhạt nhưng lại không có đốm.
Tuy là một loài chim có kích thước nhỏ bé nhưng Vành Khuyên lại được đánh giá là có tuổi thọ khá cao trong giới chim cảnh. Nếu sống trong tự nhiên, loài chim này có tuổi thọ trung bình từ 4 đến 7 năm, còn nếu trong môi trường nuôi nhốt trong lồng và được chăm sóc tốt, thì chúng có thể sống lên tới hơn 10 năm.
Chim Vành Khuyên thường bước vào mùa sinh sản từ tháng 3 đến hết tháng 7 dương lịch hằng năm. Khi vào mùa sinh sản, chim trống sẽ sử dụng giọng hót và điệu nhảy của mình để tìm kiếm và quyến rũ con mái. Sau khi ghép đôi thành công, chúng sẽ tiến hành giao phối và cùng nhau làm tổ để đẻ trứng. Mỗi lần sinh sản, chim mái sẽ đẻ từ 2 đến 4 trứng và ấp trong liên tục 14 đến 15 ngày sẽ nở thành chim non.
Sau khi đẻ trứng thì chim mẹ có nhiệm vụ ấp trứng liên tục còn chim bố sẽ có nhiệm vụ bảo vệ tổ và tìm kiếm thức ăn. Chim con sau khi nở ra sẽ được chim bố mẹ chăm sóc đến khoảng 20 ngày là đã có thể bay ra khỏi tổ và bắt đầu một cuộc sống độc lập.
Nuôi chim Vành Khuyên có khó không?
Dù là nuôi chim khuyên hay bất kỳ loài chim nào thì vấn đề chăm sóc cũng vô cùng quan trọng. Nếu người nuôi muốn nghe chúng hót căng lửa sau 3 tháng thì cần biết kỹ thuật chọn lồng, cách chăm sóc và cách phòng bệnh dưới đây.
Lồng nuôi chim
Là một loài chim có kích thước nhỏ nên bạn cần lựa chọn loại lồng có nan thưa, tránh tình trạng chim bay ra ngoài. Có thể lựa chọn lồng làm bằng gỗ hoặc lồng làm bằng mây đều phù hợp để nuôi chim. Kích thước lồng vừa phải, không quá nhỏ cũng không cần quá to, chọn lồng sao cho chim có không gian bay nhảy một cách thoải mái là được.
Lồng nuôi chim Vành Khuyên cần được trang bị đầy đủ cóng nước, cóng thức ăn, cây động, que găm hoa quả và máng chắn phân. Nếu nuôi chim bổi thì cần trang bị thêm chiếc màn che lồng để chim bớt hoảng sợ và dạn với người hơn.
Chim Vành Khuyên ăn gì?
Thức ăn hay chế độ dinh dưỡng cho Vành Khuyên không cố định mà thay đổi theo từng thời kỳ. Mỗi chu kỳ sẽ cần có một chế độ dinh dưỡng khác nhau, như thế thì chim mới được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và phát triển hiệu quả. Chế độ dinh dưỡng cho chim theo từng thời kỳ cụ thể như sau:
Khi xuống lông: Khi chim bước vào thời kỳ thay lông, chúng thường sẽ ăn ít đi và người nuôi cần có giải pháp làm cho chim ăn nhiều hơn. Bạn nên cho chim ăn nhiều loại hoa quả chín như chuối, thanh long… hay thức ăn nhiều đạm tươi như cào cào, châu chấu, sâu chim.
Khi mọc lông: Trong giai đoạn mọc lông, nhu cầu dinh dưỡng của chim Vành Khuyên sẽ cao hơn bình thường rất nhiều. Lúc này cần cho chim ăn nhiều hơn và đa dạng loại thức ăn hơn. Có thể cho chim ăn thêm trứng, nhuộng, các loại hoa quả tươi có màu nổi bật, cà rốt, cà chua… Những loại thức ăn này sẽ giúp cho lông của chim mọc lên mượt mà và nổi bật hơn.
Còn vào những thời điểm bình thường khác, bạn có thể cho chim ăn cám chim. Ngoài ra, cần bổ sung đầy đủ cho chim các loại thức ăn chứa đạm, vitamin, dưỡng chất như cào cào, sâu chim, nhuộng. Kèm theo đó là các loại hoa quả chín mà chim thích ăn.
Chăm sóc Vành Khuyên
Quá trình chăm sóc quyết định rất lớn đến chất lượng giọng hót và độ sung của chim. Tùy vào từng trường hợp mà bạn có thể có phương pháp chăm sóc khác nhau. Hãy chăm sóc cho chú chim Vành Khuyên của mình theo từng giai đoạn như sau:
Khi chưa lên lửa: Khi chim chưa lên lửa hoặc lên lửa rồi mà chưa xung, bạn cần phải bổ sung thêm các loại thức ăn có tính cay nóng như bột tép hay bột sâu khô… Tuy nhiên cần cho chim ăn với số lượng vừa phải bởi ăn nhiều chim dễ gặp tình trạng sâu chân lông, nóng trong người.
Khi đã lên lửa căng: Đây được đánh giá là thời kỳ chăm sóc Vành Khuyên khá khó khăn. Giai đoạn này cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho chim, để giúp chim khỏe, hót sung và căng hơn.
Phòng bệnh khi nuôi chim Vành Khuyên
Trong quá trình nuôi, chú chim của bạn sẽ dễ gặp nhiều loại bệnh khác nhau. Do đó bạn cần chú ý để kịp thời phát hiện, từ đó có phương pháp điều trị giúp chim phát triển ổn định. Dưới đấy là một số bệnh và cách nhận biết rõ nhất mà bạn có thể tham khảo:
Bệnh ỉa chảy: Tình trạng này xuất hiện khi chim đi ngoài phân lỏng, toàn nước. Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi cám đột ngột, cho ăn cám bị ẩm mốc, hư hại. Lồng không được vệ sinh, chứa nhiều phân, chứa nhiều vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Do chim uống phải nước không được thay thường xuyên, bị bẩn, rong rêu.
Bệnh tiêu chảy Ecoli: Nguyên nhân chủ yếu của bệnh này là do chim Vành Khuyên bị dư dinh dưỡng, chất béo và đạm tiêu hóa không hết. Từ đó giúp khuẩn E Coli phát triển trong cơ thể và gây bệnh. Dấu hiệu nhận biết đó là phân loãng, đổi màu.
Bệnh ở chân: Bệnh ở chân như sưng chân, mưng mủ, lệch ngón là khá phổ biến ở Vành Khuyên. Do chúng thường xuyên nhảy nhót, co chân và dùng mỏ để rỉa các vết thương hay cũng có thể do bị vướng, kẹt vào lồng.
Giá chim Vành Khuyên trên thị trường hiện nay
Vành Khuyên được đánh giá là loài chim cảnh thú vị nên chúng được giới chơi chim săn đón rất nhiều. Bởi số lượng chim khá lớn nên mức giá của chúng cũng không quá cao và bạn cũng có thể dễ dàng mua được.
Trên thị trường, mức giá Vành Khuyên cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giới tính trống hay mái, ngoại hình, giọng hót, khả năng thi đấu, líu…
Giá của chim sẽ dao động từ 300.000 đến 1.000.000 đồng/con. Với một số giống chim xuất sắc thì mức giá có thể lên tới 2.000.000 đến 3.000.000 đồng/con. Bạn có thể tìm mua dễ dàng loài chim này tại các cửa tiệm bán chim cảnh trên cả nước.
Lời kết
Chúng ta vừa tìm hiểu xong về loài chim Vành Khuyên với những đặc điểm thú vị của chúng. Hy vọng bài viết này đã mang đến những thông tin hữu ích cho những ai đang muốn nuôi chim cảnh trong nhà. Chúc bạn dễ dàng việc thuần hóa loài chim mà mình yêu thích nhé.